Xin chào Khách |   Đăng nhập 
Cấu trúc nội dung
  • Vị trí địa lýVị trí địa lý
  • Hành chínhHành chính
  • Kinh tếKinh tế
    • Khu công nghiệpKhu công nghiệp
    • Kinh tế xã hộiKinh tế xã hội
  • Du lịchDu lịch
  • Đất đaiĐất đai
  • Khoáng sảnKhoáng sản
  • Môi trườngMôi trường
  • Tài nguyên nướcTài nguyên nước
Giới thiệu chung
Giới thiệu chung về Khu Công nghiệp Bãi Trành 
Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ , tỉnh Thanh Hoá đang có xu thế phát triển kinh tế - xã hội năng động và toàn diện, đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp nhằm chuyển đổi các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Đô thị Bãi Trành trong quy hoạch vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ được xác định là trung tâm và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trung du miền nói với tính chất là đô thị công nghiệp – thương mại, dịch vụ – du lịch. Khu công nghiệp Bãi Trành đã được khẳng định trong quy hoạch Đô thị Bãi Trành.

- Theo quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và thương mại tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020 đã xác định khu công nghiệp Bãi Trành là khu công nghiệp thu hút các dự án : công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khoáng sản và  sản xuất VLXD.

- Theo quy hoạch vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ, khu công nghiệp Bãi Trành nằm trên trục đường Nghi Sơn – Bãi Trành được xác định là một trong những trục đường vận tải Đông –Tây quan trọng, nối từ đường Hồ Chí Minh đến khu kinh tế Nghi Sơn.

- Theo quy hoạch chung đô thị Bãi Trành huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 đã xác định vị trí khu công nghiệp Bãi Trành nằm về hướng Đông đô thị.


Để phát huy vị thế, vị trí và khai thác tốt các tiềm năng của khu vực, nhằm cụ thể hoá: Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung và quy hoạch ngành. Việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp Bãi Trành là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh phát triển  công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước nói chung cũng như vùng Bắc Trung Bộ và tỉnh Thanh Hoá nói riêng.

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI CỦA KCN Bãi Trành:

1. Tiềm năng và vị trí địa lý: Vị trí khu đất nghiên cứu quy hoạch được xác định trên địa giới hành chính xã  Xuân Bình. Nằm phía Đông Nam đô thị, nằm trên trục đường Nghi Sơn – Bãi Trành.

- Cách trung tâm huyện Như  Xuân khoảng 33km về hướng Nam.

- Theo  đường Nghi Sơn - Bãi Trành:  + Cách đường HCM 4,8km

                                                               + Cách cảng Nghi Sơn 45km

2. Khí hậu: Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,0 0C, vụ mùa chiếm khoảng 60-65% lượng nhiệt vào tháng 5 và tháng 10.

Nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm vào tháng 7 khoảng 28,4 0C–29 0C, cao nhất là 41 0C .

Nhiệt độ trung bình thấp nhất trong năm vào tháng 1 khoảng 16 – 17 0C, nhiệt độ thấp nhất không quá 5 0C.    

3. Địa hình: Địa hình bằng phẳng, khu vực nghiên cứu quy hoạch  phần lớn diện tích là đất trồng Cao su của nông trường. Các khu vực trồng Cao su đã được cải tạo nền đất, phân lô bằng hệ thống giao thông nội đồng.

4. Dân số, lao động: Khu vực lập quy hoạch khu công nghiệp chủ yếu năm trên khu đất trồng Cao su của nông trường thuộc xã Xuân Bình, hiện có 35 hộ dân với 136 khẩu chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trồng và chăm sóc cây Cao su cho nông trường, đời sống đang còn nghèo nàn và thấp kém. Mật độ phân bố dân cư thấp chủ yếu dọc theo đường Nghi Sơn – Bãi Trành.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT- XÃ HỘI

1. Hệ thống giao thông:

a/ Giao thông đối ngoại: Khu vực nghiên cứu có tuyến Nghi Sơn  - Bãi Trành đi qua nối từ đường Hồ Chí Minh đến cảng Nghi Sơn:

b/ Giao thông đối nội:

Hiện tại xã đang đầu tư xây dựng tuyến đường trục xã nối từ Nghi Sơn  - Bãi Trành qua uỷ ban xã Xuân Bình đi khu dân cư thôn 7 với bề rộng mặt đường

- Ngoài tuyến đường nhựa trên còn lại là đường cấp phối đất, đá, đường mòn, chia lô Cao su.

2. Hệ thống điện:

Nguồn lưới điện quốc gia được lấy từ đường dây 35kv, lộ 377 từ trạm trung gian 110kV Nông Cống cs (1x25)MVA-110/35/10kV.

3. Cấp nước:

Chưa có hệ thống cấp nước sạch cho khu vực.

Nước cho nhu cầu sinh hoạt cấp cho dân cư khu vực nghiên cứu là nước ngầm thông qua hệ thống giếng khơi giếng khoan, nguồn nước này không ổn định theo mùa trong năm, mùa khô thường không có nước. Nước cho sản xuất nông nghiệp là nước hồ Đồng Cần có dung tích hữu ích 1,6 x 106 m3/ng.đ.

III. QUY HOẠCH:

3.1. Tính chất và chức năng:

- Là khu công nghiệp tập trung của tỉnh gắn với đô thị Bãi Trành và khu vực lân cận, là đầu mối liên kết khu kinh tế Nghi Sơn với tuyến đường Hồ Chí Minh. Các ngành nghề kêu gọi đầu tư gồm:

+ Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và cơ khí sửa chữa nông, lâm nghiệp...

+ Dịch vụ kho vận, bao bì đóng gói và các lĩnh vực phụ trợ cho khu công nghiệp Nghi Sơn.

3.2. Xác định mô hình đầu tư.

          Phân làm 3 nhóm:

          * Nhóm A : - Chế biến nông, Lâm sản.

          * Nhóm B :

          - Sản xuất máy móc thiết bị nông, lâm nghiệp; Dịch vụ cơ khí sửa chữa;

          - Dịch vụ kho vận; sản xuất đóng gói bao bì… ( công nghiệp phụ trợ)

          * Nhóm C:

          - Khai thác, sản xuất chế biến vật liệu xây dựng đã và đang hoạt động.


Giới thiệu chung về Khu công nghiệp Lễ Môn 

1. Vị trí địa lí:

KCN Lễ Môn tỉnh Thanh Hoá được Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại quyết định số: 186/1998/QĐ-TTg, ngày 25/9/1998 và Quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 29/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định số 186/1998/QĐ-TTg ngày 25/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Lễ Môn, tỉnh Thanh hoá.

Đây là KCN tập trung đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá, nằm cách trung tâm Thành phố Thanh Hoá và Quốc lộ 1A 5 km về phía Đông, cách cảng Lễ Môn 1km, cảng biển Nghi Sơn 60 km.

Phạm vi ranh giới xác định như sau:

- Phía Bắc giáp: Sông Quảng Châu

- Phía Nam giáp: Quốc lộ 47

- Phía Đông giáp: Xã Quảng Phú

- Phía Tây giáp: Thành phố Thanh hoá

2. Quy mô diện tích:

Khu công nghiệp Lễ Môn thuộc xã Quảng Hưng, Thành phố Thanh Hoá với quy mô được phê duyệt là: 62,61 ha, vốn đầu tư  là: 63,5 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình xây dựng KCN, do tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh Thanh Hoá đã quyết định mở rộng thêm. Đến nay, diện tích của KCN Lễ Môn là: 87,61 ha, mức vốn đầu tư là: 113,3 tỷ đồng.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN cơ bản hoàn thiện, dịch vụ công nghiệp thuận tiện; các công trình điện, nước đã được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

3. Hiện trạng khu công nghiệp:

3.1. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

Được sự quan tâm của Chính phủ các Bộ, Ngành Trung ương, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh hiện nay khu công nghiệp Lễ Môn đã được đầu tư đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh. Các hạng mục được phê duyệt đã cơ bản hoàn thành.

3.2. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp:

Các dự án đã đầu tư vào KCN Lễ Môn: Có 29 dự án.

+ Tổng vốn đăng ký đầu tư: 1.022820, triệu đồng và 17.300.000,0 USD (Gồm 22 dự án đầu tư trong nước và 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài).     

+ Diện tích đất cho thuê: 65 ha. Đã cho thuê 60,81 ha đạt 93,55 %.

+ Doanh thu 6 tháng đầu năm 2009 đạt:  387.440 triệu đồng,

+ Nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2009 đạt:  11.484 triệu đồng,

+ Lao động trong KCN Lễ Môn:   7.340 người

+ Tiền lương: Tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nhiệp KCN đạt 1.200.000 -1.500.000 đồng/người/tháng.

Giới thiệu chung về KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga 
1. Vị trí: Nằm ở phía Bắc thành phố Thanh Hoá, sát Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 2 km, cách cảng Lễ Môn 7 km, cách ga đường sắt Bắc Nam Thanh Hoá 3 km.
2. Quy mô: 162,7 ha, trong đó :

            - KCN Tây Bắc Ga (giai đoạn 1 + giai đoạn 2): 133,85 ha.

            + Giai đoạn 1: 84,3 ha: Đã lấp đầy

            + Giai đoạn 2: 49,55 ha: Công ty cổ phần kiến trúc Phục Hưng làm chủ đầu tư kinh doanh, khai thác hạ tầng.

            - KCN Đình Hương: 28,85 ha (đã lấp đầy).
3. Những ngành nghề thu hút đầu tư: Sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng cao.
4. Các dự án đã đầu tư: Hiện tại có hàng trăm dự án đang hoạt động, nhiều dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả như: Nhà máy chế tạo cơ khí Z111, Nhà máy sản xuất thép, Nhà máy sản xuất bao bì giấy,...
Chủ đầu tư hạ tầng: Công ty Cổ phần Kiến trúc Phục Hưng
Địa chỉ: Văn phòng Ban Quản lý Dự án đầu tư Khu công nghiệp Vipark - xã Đông Cương, thành phố Thanh Hóa.
Điện thoại: (037) 3915 879/(04) 6651 4565.
Fax: (037) 3915 879/(04) 3511 3128.
Email: vipark_th@yahoo.com.vn; Website: fuhucorp.com

Giới thiệu chung về Khu công nghiệp Bỉm Sơn 

emoticon 

1. Vị trí:
 Nằm phía Bắc tỉnh Thanh Hoá, cạnh Quốc lộ 1A; cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 35 km, cách thủ đô Hà Nội 120km về phía Nam; cách Cảng Hải Phòng 150 km, có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua.

            Đây là KCN có vị trí địa lý thuận lợi, nằm cạnh thị xã Bỉm Sơn; thuận lợi về nguồn cung cấp điện, nước, giao thông và dịch vụ; dễ thu hút nguồn lao động có tay nghề, chi phí đất đai và đầu tư hạ tầng thấp hơn nhiều so với các KCN khác ở miền Bắc Việt Nam.

2. Quy mô: Diện tích 566 ha, trong đó:

            - Khu A: 308 ha do Công ty cổ phần kiến trúc Phục Hưng và Công ty cổ phần đầu tư phát triển VID Thanh Hóa làm chủ đầu tư hạ tầng.

            - Khu B: 258 ha do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD 4 làm chủ đầu tư hạ tầng.

3. Những ngành nghề thu hút đầu tư:

             Dệt may, da giầy, sản xuất và lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, sản xuất kết cấu thép, điện tử, sản phẩm công nghệ cao, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu…

4. Các dự án đã và đang đầu tư: Hiện nay đã có 22 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD. Trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất có hiệu quả như: Nhà máy ôtô VEAM; Nhà máy sang chiết nạp gas; nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng; nhà máy sản xuất bao bì xi măng...

Địa chỉ các chủ đầu tư hạ tầng:

- Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD4

Ban quản lý dự án Khu B - Khu công nghiệp Bỉm Sơn

Địa chỉ: Khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trụ sở văn phòng đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tại thị xã Bỉm Sơn).

Điện thoại: (037) 3851903   Fax: (037) 3710245/ (037) 3771988

Người liên hệ trực tiếp: Mr. Chiến: 0975.189.049        

Email: banbimson@gmail.com

Website: HUD4.com.vn

- Công ty Cổ phần Kiến trúc Phục Hưng

Ban quản lý dự án Khu A - Khu công nghiệp Bỉm Sơn

Địa chỉ: Văn phòng Ban Quản lý Dự án Đầu tư Khu Công nghiệp Kovipark - phường Bắc Sơn - thị xã Bỉm Sơn - tỉnh Thanh Hóa.

Điện thoại: (04) 6651 4565            Fax: (04) 3511 3128

Người liên hệ trực tiếp: Mr. Khánh: 098 349 5779

Email: kovipark@yahoo.com.vn; khanhsfuhu@yahoo.com.vn

Website: fuhucorp.com

- Công ty cổ phần đầu tư phát triển VID Thanh Hóa

Người liên hệ: ông Bùi Đình Chiến - Chủ tịch HĐQT
ĐT: 0904.151.565
Email: 
Dungnt@vidgroup.com.vn

Website: vidgroup.com.vn

Giới thiệu chung về KCN Lam Sơn - Sao Vàng 
Khu vực Lam Sơn – Sao Vàng nằm ở trung tâm hình học của tỉnh Thanh Hóa; có mối quan hệ trực tiếp và thuận lợi với các vùng trong tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội, thành phố Vinh, vùng Tây Bắc và nước bạn Lào thông qua các Quốc lộ 47, 217, đường HCM, đường 15A và đường hàng không.

       Là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế về: tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản, du lịch hết sức đa dạng, phong phú và to lớn; có nguồn nhân lực dồi dào; có nền văn hóa lâu đời và truyền thống lao động cần cù.
       Là một trong 4 cụm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa, với định hướng xây dựng và phát triển các ngành Công nghiệp và Nông nghiệp sạch, công nghệ và chất lượng cao, kết hợp với phát triển Đô thị dịch vụ - du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái và phát triển bền vững.

      Chính vì vậy tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng thành một “Tổ hợp Đô thị Công - Nông nghiệp công nghệ cao - Du lịch” làm động lực cho phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là  khu vực miền Tây Thanh Hóa.

        Tổ hợp Đô thị Công - Nông nghiệp công nghệ cao - Du lịch Lam Sơn - Sao Vàng được hình thành từ ý tưởng tổng hợp 4 yếu tố là:

                                + Khu công nghiệp sạch sử dụng công nghệ cao;

                                + Khu Nông nghiệp công nghệ cao;

                                + Khu du lịch bảo tồn Văn hóa lịch sử và sinh thái Lam Kinh

                                + Kết hợp với đô thị Lam Sơn - Sao Vàng  tạo thành một tổ hợp kinh tế động lực phát triển bền vững.

         Tại đây sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng thực hiện ý tưởng nhằm phát triển Lam Sơn – Sao Vàng trở thành một đô thị thông minh, năng động; khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao gắn với chuyển giao, sản xuất thân thiện với môi trường; một trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

          I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI CỦA KCN LAM SƠN -SAO VÀNG:

          1.Tiềm năng và vị trí địa lý: 

          Khu đất quy hoạch Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng nằm dọc đường Hồ Chí Minh, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 40 km theo Quốc lộ 47, giáp với 2 thị trấn: Thị trấn Lam Sơn và thị trấn Sao Vàng. 

          - Phía Bắc giáp ranh giới quy hoạch khu đô thị Lam Sơn- Sao Vàng.

          - Phía Nam giáp hồ Cửa Trát, cách QL47 kéo dài khoảng 1,8 km.

          - Phía Đông giáp đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Nghi Sơn dự kiến.

          - Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh (xã Xuân Phú, Xuân Bái).

Diện tích khu vực quy hoạch khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng khoảng 1975ha, thuộc địa giới các xã Xuân Phú, Xuân Thắng, Thọ Lâm, Thọ Xương huyện Thọ Xuân, và xã Thọ Sơn huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa.

          2. Khí hậu:

         Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng tỉnh Thanh Hoá thuộc vùng khi hậu đồng bằng Bắc Bộ và khu 4, có 2 mùa rõ rệt trong năm: từ tháng 5 đến tháng 10 nóng ẩm mưa nhiều. Từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau thời tiết lạnh, khô.

           Mùa hè gió Đông Nam mát lạnh, giữa và cuối mùa thường có gió Tây Nam khô nóng (gió Lào).

           Mùa Đông gió mùa Đông Bắc rét buốt.

           Nhiệt độ bình quân năm: 23,4oC.

           Nhiệt độ cao tuyệt đối: 39,3oC.

           Nhiệt độ thấp tuyệt đối: 4,4oC.

           Độ ẩm trung bình 86%, độ ẩm trung bình cao nhất 97%, độ ẩm trung bình thấp nhất 60%.

           Lượng mưa bình quân năm: 1911,2m.

           Lượng mưa năm cao nhất: 2929,3mm (1925).

           Lượng mưa năm thấp nhất: 1459 mm.

           Lượng mưa phân bố không đều tập trung vào các tháng 7, 8, 9.

          Gió bão: Hướng gió thịnh hành Đông, Đông - Nam, tốc độ gió trung bình: 1,3m/s, ngoài ra trong mùa khô nóng còn chịu ảnh hưởng của gió địa hình gây khô hanh. Bão xuất hiện từ tháng 7 - 10 kèm theo mưa lớn.

          3. Địa hình:

          Đất đai khu vực nghiên cứu chủ yếu là đồi thấp, cao độ nền trung bình cao nhất khoảng 70.0m tại khu vực Đồng Cốc, xã Xuân Phú, thấp nhất khoảng 17.0m tại khu vực Đồng Chiêm xã Xuân Thắng, độ dốc không lớn, nền đất khỏe, rất thuận lợi cho việc xây dựng công trình.

          * Các dạng địa hình: trong khu vực tồn tại chủ yếu 3 dạng địa hình sau:

          - Đồi núi thấp, có độ dốc không lớn, là các đồi đất thuộc các xã Xuân Thắng, Xuân Phú, và Thọ Lâm;

          - Đất bằng hoặc thoải ven đồi núi;

          - Đất trũng, sông suối, trong đó có những hồ, đập tương đối lớn như hồ Cây Quýt, hồ Đồng Trường. 

          4. Dân số, lao động: 

          Dân số: Khu vực lập quy hoạch thuộc các xã Xuân Thắng (122,73 ha), Xuân Phú (49,41ha), một phần xã Thọ Xương (2,6ha), Thọ Lâm (35,99ha) huyện Thọ Xuân và phần nhỏ (khoảng 20,7ha) thuộc xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn.

          Dân cư trong khu vực tương đối thưa thớt, đặc biệt người dân tộc thiểu số (Mường) chiếm tỷ lệ khác cao ở 2 xã Xuân Thắng (khoảng 50%) và Xuân Phú (khoảng 70%).

Cụ thể dân cư trong khu vực quy hoạch Khu công nghiệp như sau:

         + Xã Xuân Thắng, 11 thôn: thôn 1, 2,3,4,5,6,9,10,12,13,14. Dân cư chiếm 4478/5680 khẩu toàn xã, tương đương 1232/1553 hộ toàn xã;

        + Xã Xuân Phú, 6 thôn: thôn Đồng Trô, Đá Dựng, Bản Lai, Cửa Trát, Đồng Cốc, thôn 12. Dân cư chiếm 3036/7533 khẩu toàn xã, tương ứng số hộ 858/2075 hộ toàn xã;

         + Các xã Xuân Lâm, Thọ Xương: có 1 số dân cư phía Nam QL47 nằm trong QH khu CN. Dân số 2 xã nằm trong vùng quy hoạch khoảng hơn 1000 người, tương ứng khoảng 300 hộ

         - Dân c­ư trong khu vực chủ yếu là làm nông nghiệp với loại hình sản xuất là trồng cây công nghiệp (mía, cao su), trồng lúa, trồng màu.

         - Các hộ làm nghề kinh doanh chủ yếu dọc tuyến đư­ờng Hồ Chí Minh và dọc Quốc lộ 47, một số ít nằm trong khu vực dân cư.

          - Đánh giá chung: Dân cư và nhà ở trong khu vực tương đối thưa thớt nên vấn đề giải phóng mặt bằng không khó khăn. Tuy nhiên, khi có dự án phải có phương án tái định cư và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề thích hợp cho nhân dân trong khu vực.

          Lao động: Dân cư trong khu vực tương đối thưa thớt, khoảng 2400 hộ, trong đó tỷ lệ về giới là nam chiếm 48%, nữ chiếm 52%. Hàng năm có một bộ phận lớn các lao động nam di cư ra thành phố làm việc, điều này cũng khiến cho sự chênh lệch về giới tại khu vực thêm rõ rệt.

            Tỷ lệ phát triển dân số những năm gần đây vào khoảng 0,8%. Tỷ lệ này có biến động theo từng năm và từng khu vực nhưng nhìn chung ở mức thấp, tỷ lệ tăng dân số giữa nam và nữ tương đối đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn khu vực nghiên cứu vào khoảng 20-25%.

          Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 41,5% dân số của khu vực. Trong đó lao động nông nghiệp chiếm khoảng 79,2%, lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 9,4% và lao động kinh doanh dịch vụ chiếm khoảng 11,4%.

            Hầu hết lao động trên địa bàn chưa qua đào tạo nghề nghiệp, trình độ chuyên môn còn thấp nên ảnh hưởng nhiều tới quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong tương lai đòi hỏi có các chính sách đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lao động, cán bộ sản xuất để đáp ứng được nhu cầu cần thiết.

           II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT- XÃ HỘI

           1. Hệ thống giao thông:

           Giao thông đối ngoại:

          Khu vực quy hoạch nằm ở ngã tư giao giữa đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 47, Là 2 tuyến giao thông đối ngoại chính của của khu với diện tích mặt cắt ngang hiện tại như sau:

         - Đường Hồ Chí Minh: lộ giới hiện tại 22,0m, đoạn chạy qua khu quy hoạch có chiều dài 1,6km. Là tuyến đường trọng điểm của quốc gia chạy qua địa phận tỉnh Thanh Hóa với chức năng kết nối khu vực phía Bắc với các tỉnh Bắc Trung Bộ và và các tỉnh phía Nam. Đây là tuyến đường có lưu lượng lớn, tốc độ lưu thông cao. Đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua địa phận tỉnh Thanh Hóa là đường bộ loại 2. Dự kiến trong tương lai đường Hồ Chí Minh sẽ mở rộng với lộ giới QH là 140m.

         - Quốc lộ 47: lộ giới hiện hữu là 19,0m, chạy qua khu quy hoạch 2 lần với tổng chiều dài là 6,5km. Quốc lộ 47 là tuyến đường loại 5 có chức năng kết nối tỉnh lị Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn với các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa như Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thường Xuân…

           Giao thông đối nội:

          Một số tuyến đường nhựa kết nối khu vực với giao thông đối ngoại:

          - Tuyến đường tỉnh 514 nhựa từ QL47 đi Triệu Sơn, chiều dài đoạn chạy qua khu đất 2,5km;

          - Các tuyến đường nhựa nội bộ có lộ giới nhỏ, kết cấu đường chưa hoàn chỉnh, chủ yếu phục vụ nhu cầu giao thông trong nội bộ khu đất và kết nối ra các tuyến đường giao thông đối ngoại, với các loại phương tiện tải trọng nhỏ.

        Ngoài ra còn có mạng lưới đường đất, đường bê tông cấp phối dày đặc, lộ giới thay đổi, cấu tạo đơn giản, phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân.

          Đường hàng không:

        Khu vực quy hoạch nằm giáp với sân bay Thọ Xuân là sân bay quân sự cấp 1A diện tích 600ha, với đường băng đã được đầu tư hoàn chỉnh chiều dài 3,2km có thể tiếp nhận được các máy bay vận tải dân sự hạng nặng như Boeing 737, 747, 777 (Quy mô đường băng tương tự quy mô đường băng của sân bay Nội Bài). Ngày 5 tháng 1 năm 2013, Cảng hàng không dân dụng Thọ Xuân chính thức khai thác các chuyến bay dân sự với tần suất 5 chuyến/1 tuần, trở thành sân bay dùng chung quân sự - dân dụng.

          Các đầu mối giao thông:

Bến xe: gần khu vực có 1 bến xe tại thị trấn Sao Vàng diện tích 300m2.

          2. Hệ thống điện:

          Cấp điện:

         Hiện trạng trên khu vực quy hoạch có khá nhiều cấp điện áp cung cấp điện cho khu vực, cụ thể như sau:

         - Cấp điện áp 110KV: gồm 3 đoạn chạy qua với tổng chiều dài là 16.963,0m.

         - Cấp điện áp 35 KV: gồm nhiều tuyến trung thế, chạy từ nguồn đến các trạm biến áp hạ thế 35/0,4KV. Tổng chiều dài các tuyến trung thế 35KV là 15.041,0m.

         - Cấp điện áp 10KV: tổng chiều dài 10.704,0m.

        - Cấp điện áp hạ thế 0,4KV: tổng chiều dài là 22.936,0m, cung cấp điện từ các trạm biến áp hạ thế đến nơi tiêu thụ.

         Về cách thức truyền tải: hiện tại các tuyến điện áp này đều đi nổi trên các trụ điện bằng bê tông kiên cố.

          Nguồn cấp điện: Nguồn cung cấp điện cho khu đô thị là các trạm biến áp 110/35/6KV Thọ Xuân, cách khu vực quy hoạch 0,5km về phía Tây Bắc.

          Đánh giá về hệ thống cung cấp điện:

        Nhìn chung hệ thống điện đã tạm thời đáp ứng được nhu cầu về tiêu thụ điện trên khu vực bao gồm điện sinh hoạt và điện cung cấp cho các nhà máy, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay một số cấp điện áp đã không còn phù hợp, đặc biệt là cấp điện áp trung thế 35KV, 10KV khi mà Bộ Công thương đã có quyết định chuẩn hóa lưới điện trung thế về cấp điện áp 22KV.

        Lưới trung thế có bán kính cấp điện lớn, tiết diện dây dẫn nhỏ, tổn thất công suất lớn và đi qua nhiều công trình công cộng dự kiến. Do đó cần dỡ bỏ, di chuyển các tuyến trung thế hiện có sao cho phù hợp với các tuyến đường và các công trình trong quy hoạch.

         Nhìn chung, hiện trạng điện chưa đáp được nhu cầu phát triển của khu vực. Do đó cần có cơ chế, chính sách phát triển hệ thống điện đủ điều kiện đáp ứng được sự phát triển kinh tế xã hội.

          Chiếu sáng:

          Hiện tại trong khu vực quy hoạch chưa có hệ thống chiếu sáng đô thị.

          3. Cấp nước:

         Hiện tại trong khu vực quy hoạch chưa có hệ thống cấp nước. Nguồn nước sinh hoạt được lấy từ nguồn nước giếng khơi, giếng khoan và nước kênh Nông Giang. Độ sâu giếng khơi từ 13,0m đến 15,0m, giếng khoan từ 20,0m đến 30,0m. Chất lượng nước sử dụng được trong sinh hoạt. Ngoài ra nhà máy đường Lam Sơn có 2 trạm bơm nước ngầm với tổng công suất 1.000m3/ngđ cấp nước sinh hoạt cho cán bộ nhân viên của nhà máy. Nước được xử lý sơ bộ trước khi sử dụng.

          Một số cơ sở sản xuất công nghiệp như nhà máy đường Lam Sơn, nhà máy giấy Mục Sơn đều có các trạm bơm nước từ sông Nông Giang.

          - Nhà máy đường Lam Sơn: có một trạm bơm công suất 18.000m3/ngđ, đặt tại kênh Nông Giang. Nước được bơm vào nhà máy bằng 2 đường ống D200 và D350 và được xử lý trước khi sử dụng.

         - Nhà máy giấy Mục Sơn: công suất 5.600m3/ngđ, dùng nước kênh Nông Giang ở km 3. Nước được qua bể lắng ®Trạm bơm 2 ® Nhà máy. Trạm bơm có 4 bơm, Q= 65÷120m3/h, H = 39m. Đường ống dẫn chính D150 dài 200m.

           4. Thông tin liên lạc:

           Hiện tại trên khu vực quy hoạch có 3 trạm thu phát sóng tại:

                                                 + Trạm phát sóng tại thôn Đồng Tro, xã Xuân Phú;

                                                 + Trạm phát sóng tại thôn Đá Dựng, xã Xuân Phú;

                                                 + Trạm phát sóng tại thôn 10, xã Xuân Thắng;

          - Mạng viễn thông: Hiện tại hệ thống thông tin trên khu vực quy hoạch sử dụng mạng thông tin…được kéo từ bưu điện huyện Thọ Xuân

        - Mạng lưới đường truyền: mạng lưới cáp thông tin gồm 2 loại là cáp thông tin nổi và cáp thông tin ngầm:

                                                 + Cáp thông tin ngầm, tổng chiều dài: 7.772,0m;

                                                 + Cáp thông tin nổi: 23.479,0m.

          III. QUY HOẠCH:

          3.1. Tính chất và chức năng:

          - Quy hoạch Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng là một khu chức năng quan trọng của Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng là một trong 4 cụm kinh tế động lực của tỉnh, định hướng đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại II;

          - Xây dựng khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng định hướng sử dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa toàn tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội chung khu vực trung du Thanh Hóa;

          - Hình thành Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng nhằm mục tiêu thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao như điện tử, viễn thông và các ngành công nghiệp khác; Hướng tới hình thành khu công nghệ cao gắn với đô thị Lam Sơn - Sao Vàng và các khu nông nghiệp công nghệ cao tạo thành Khu liên hợp Công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao - đô thị - dịch vụ và du lịch; tạo lập trung tâm kinh tế trọng điểm phía Tây tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa và cả nước. 


                                    Nguồn: Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn
Liên hệ:

Bản quyền @2016 thuộc Trung tâm thông tin
Sở Tài nguyên môi trường Thanh Hóa
Địa chỉ: 14 Hạc Thánh - Thành phố Thanh Hóa -
Tỉnh Thanh Hóa
Đơn vị phát triển:

Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ phần mềm và Gis
Cục Công nghệ thông tin
Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thống kê truy cập:
Số người đang truy cập: 3
Số người truy cập hôm nay: 18
Tổng số lượt truy cập: 176513
Tổng số thành viên: 9
 
Atlas điện tử tỉnh Thanh Hóa