Xin chào Khách |   Đăng nhập 

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

1. Thanh Hóa trong thời kỳ các vua Hùng dựng nước.

            Vào đầu thời đại đồng thau, ở đồng bằng Bắc Bộ, văn hoá Phùng Nguyên đã phân bố trên một vùng rộng lớn từ các tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Ở Thanh Hoá, các bộ lạc nguyên thuỷ cũng có mặt trên địa bàn rất rộng: từ miền núi đến đồng bằng, ven biển.

            Ở miền núi: Người thời đại đồng thau đã để lại dấu vết trong các hang động Thẩm Hai và Thẩm Tiên (thuộc huyện Thường Xuân). Trong tầng văn hoá dày từ 20 - 30cm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều rìu, đục bằng đá được mài nhẵn. Đồ gốm thu được ở đây không nhiều nhưng đã thể hiện trình độ chế tác rất độc đáo: gốm thường có miệng loe dày, vai xuôi, có loại có chân đế. Hoa văn trang trí rất đa dạng nhưng chủ yếu bằng kĩ thuật khắc vạch với những đường song song hoặc cắt nhau chạy thành từng băng quanh thân. Trong tầng văn hoá cũng tìm thấy cả vỏ ốc suối. Với sự phát triển của kĩ thuật chế tác đồ gốm, lại cư trú trên địa bàn xung quanh các thung lũng bằng phẳng, những cư dân thuộc nhóm di tích Thường Xuân đã là những người làm nông nghiệp.

            Ở miền biển: Trong khi các bộ lạc miền núi Thường Xuân sản xuất nông nghiệp và phát triển nghề làm gốm, thì ở vùng biển, một nhóm các bộ lạc khác đã biết đến kim loại. Di chỉ tiêu biểu là Hoa Lộc (xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc) đã được khai quật lớn vào năm 1974 và 1975. Vì vậy nền văn hoá khảo cổ ở đây được đặt tên là văn hoá Hoa Lộc. Cư dân văn hoá Hoa Lộc sống gần bờ biển. Tại các di chỉ thuộc văn hoá này đã phát hiện được nhiều chì lưới bên cạnh xương răng các loài cá biển, cá nước ngọt, chứng tỏ đánh cá là một nghề quan trọng của họ. Cũng tìm thấy ở đây xương răng các loài động vật đã được thuần dưỡng như trâu, bò, chó, lợn, và thú rừng như hươu, nai, hoẵng, lợn rừng, tê giác v.v... Rõ ràng chủ nhân văn hoá Hoa Lộc còn là những người chăn nuôi và săn bắn giỏi. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, các bộ lạc văn hoá Hoa Lộc đã có một nền nông nghiệp dùng cuốc phát triển.

            Tại di chỉ Hoa Lộc (hay còn gọi là Cồn sau chợ), đã tìm thấy số lượng rất lớn cuốc đá có vai hoặc hình tứ giác (61 chiếc). Ở di chỉ Phú Lộc (còn có tên là Cồn Nghè) tìm thấy tới 80 cái. Rìu và bôn có vai được mài nhẵn toàn thân, có hình dáng cân đối, cũng là loại nông cụ được tìm thấy khá nhiều ở văn hoá Hoa Lộc. Nhưng rõ ràng nhất là tại di tích Bái Cù, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều vết tích của vỏ trấu. Đây là trấu của giống lúa nước.

            Chủ nhân văn hoá Hoa Lộc là những người làm gốm giỏi, đồ gốm của họ rất độc đáo cả về hình dáng lẫn hoa văn trang trí. Họ đã tạo được những cái bình có vai gãy, miệng gâp vào trong. Có cả loại có miệng hình nhiều cạnh mà các nơi khác rất hiếm gặp. Hoa văn trên đồ gốm Hoa Lộc cũng rất đẹp và phong phú: người ta đã thống kê được 18 đồ án hoa văn khác nhau trên đồ gốm Hoa Lộc, trong đó, đặc trưng và độc đáo nhất là hoa văn hình bọ gậy được tạo bằng cách ẩn miệng vỏ sò biển lên thân gốm khi còn ướt.

            Một đặc điểm quan trọng khác của văn hoá Hoa Lộc là sự xuất hiện rất nhiều những con dấu bằng đất nung. Các con dấu này có hình chữ nhật hoặc gần tròn, thường được người thợ gốm khắc những chữ “S” hoặc những hoa văn nối tiếp nhau với nét khắc rất sâu. Các nhà nghiên cứu cho rằng, công dụng của những con dấu này có lẽ được dùng để in hoa văn lên vải hơn là để tạo hoa văn trên đồ gốm. Cũng tại Hoa Lộc, còn tìm thấy những hộp đất nung hình chữ nhật, có hai ngăn, mà công dụng cho đến ngày nay vẫn còn tranh cãi. Điều quan trọng là đã phát hiện được dấu vết của đồng trong văn hoá Hoa Lộc, đó có thể là những mẩu dây hoặc dùi đồng đã bị rỉ nát. Trong tương quan với các nền văn hoá cùng thời, các nhà nghiên cứu nhận thấy đã xuất hiện sự giao lưu giữa các bộ lạc văn hoá Hoa Lộc với chủ nhân các nền văn hoá khác. Ở phía Bắc, hoa văn in mép vỏ sò đặc trưng của văn hoá Hoa Lộc đã tìm thấy ở Sập Việt, Bản Gièm (Sơn La). Nhiều mảnh gốm kiểu Hoa Lộc được tìm thấy ở Gò Mả Đống (Ba Vì - Hà Nội), núi Lê (Ninh Bình), đồi Ghệ, đồi Giạ (Vĩnh Phú cũ). Ở phía Nam, phong cách trang trí và đồ án hoa văn hình chữ S in bằng miệng vỏ sò đã thấy xuất hiện ở Pò Cung (Quỳ Hợp - Nghệ An).

            Căn cứ vào những thành tựu trong kĩ thuật chế tác các loại công cụ, trong các ngành kinh tế sản xuất và sự phân bố các di chỉ trên một vùng rộng lớn, có thể nhận thấy rằng mật độ cư dân trong văn hoá Hoa Lộc đã khá cao. Chủ nhân văn hoá Hoa Lộc hẳn đã có cuộc sống tinh thần khá phong phú: chỉ có những bộ óc phóng khoáng với những bàn tay khéo léo mới có thể tạo nên những kiểu dáng và hoa văn trên đồ gốm phong phú đến vậy. Sự phát triển mạnh mẽ của nghề đánh cá biển và kĩ thuật chế tác kim loại ra đời có thể đã góp phần quan trọng xác lập chế độ công xã thị tộc phụ quyền trong đời sống xã hội văn hoá Hoa Lộc.

            Ở vùng đồng bằng sông Mã: Khi các bộ lạc ở miền núi, miền biển Thanh Hoá bước vào thời đại đồng thau cách đây khoảng 4.000 năm thì vùng đồng bằng ven đôi bờ sông Mã, cư dân các bộ lạc ở di chỉ Cồn Chân Tiên cũng bước vào sơ kì thời đại đồng thau. Cùng thời với di chỉ này, ven đôi bờ sông Mã còn phát hiện được các di chỉ núi Chàn (ở sườn tây núi Đọ), khe Tiên Nông (sườn Tây Bắc núi Nuông). Kết quả khai quật và nghiên cứu các di chỉ này đã được nhiều nhà nghiên cứu xác định là giai đoạn sớm nhất của thời đại đồng thau ven sông Mã, là cốt lõi mở đầu trong quá trình hình thành bộ Cửu Chân trong nước Văn Lang.

            Những công cụ bằng đá ở Cồn Chân Tiên cho thấy cư dân giai đoạn này đã đạt tới trình độ kĩ thuật chế tác đá rất cao. Họ sử dụng đá bazan khai thác ở núi Đọ. Họ sử dụng kĩ thuật ghè để tạo phác vật, sau đó ghè tu chỉnh và tiến hành mài đá. Họ đã dùng hai loại bàn mài để mài phá và mài trau (loại đá có kết cấu hạt to dùng mài phá, loại mài trau có kết cấu hạt mịn). Bàn mài của họ đôi khi được dùng cả bốn mặt, có loại có rãnh chắc được dùng để mài đồ trang sức. Rìu đá ở Cồn Chân Tiên chủ yếu là rìu lưỡi cân, cạnh đó còn có loại lưỡi mài vát một bên có tiết diện hình chữ V lệch (thường được gọi là bôn). Đặc biệt ở đây đã tìm thấy những chiếc rìu và bôn có hình dáng nhỏ nhắn và rất xinh bằng đá ngọc, lưỡi rất sắc bén. Cũng tìm thấy nhiều vòng trang sức bằng đá, cư dân Cồn Chân Tiên chế tác công cụ ngay tại nơi cư trú.

            Di chỉ Cồn Chân Tiên có tầng văn hoá tương đối dày, chứng tỏ con người đã định cư ở đây khá lâu dài. Đồng bằng ven sông Mã là địa bàn khai thác nghề trồng lúa nước của họ. Địa bàn cư trú ấy với điều kiện trình độ chế tác công cụ phát triển đã đưa sản xuất nông nghiệp lên vị trí hàng đầu trong nền kinh tế của cư dân Cồn Chân Tiên. Cũng như cư dân văn hoá Phùng Nguyên, Hoa Lộc, các bộ lạc nguyên thuỷ đôi bờ sông Mã đang dần dần chuyển sang chế độ công xã thị tộc phụ quyền và điều quan trọng hơn cả, khi đối chiếu, so sánh với kết quả nghiên cứu các giai đoạn phát triển sau này ở các di chỉ khảo cổ học khu vực đồng bằng sông Mã, sông Chu, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng cư dân các bộ lạc Cồn Chân Tiên là nhóm đóng vai trò chủ đạo trong quá trình hình thành bộ Cửu Chân trong nước Văn Lang của các vua Hùng.

2. Thanh Hóa trong trung kì thời đại đồng thau: Giai đoạn Đông Khối

            Di chỉ khảo cổ học Đông Khối thuộc làng Đông Khối, xã Đông Cương (Đông Sơn), được khai quật năm 1960. Gần đây, nhờ kết quả khai quật và nghiên cứu các di chỉ khảo cổ thời đại đồng thau ven đôi bờ sông Mã, các nhà nghiên cứu đã xác định Đông Khối là di chỉ tiêu biểu cho giai đoạn phát triển tiếp theo giai đoạn Cồn Chân Tiên ở lưu vực sông Mã, có niên đại trung kì thời đại đồng thau tương đương với giai đoạn Đồng Đậu ở đồng bằng Bắc Bộ. Thuộc giai đoạn này còn có di chỉ Bái Man, lớp dưới di chỉ Cồn Cấu (xã Đông Lĩnh) và lớp dưới di chỉ Đồng Ngầm (xã Đông Tiến) huyện Đông Sơn.

            Điểm đáng chú ý đầu tiên là kĩ thuật chế tác công cụ đá của cư dân các bộ lạc giai đoạn này đã không chỉ kế thừa trực tiếp kĩ thuật của cư dân Cồn Chân Tiên, mà họ còn đưa nghề chế tác đá phát triển thành kĩ nghệ, đạt tới đỉnh điểm trong thời tiền sử và sơ sử xứ Thanh. Tại di chỉ Đông Khối, ngày nay vẫn còn rất nhiều những phác vật, phế vật, mảnh tước v.v..., có chỗ chất đầy, ken dày trên những bờ ruộng, cánh đồng sát chân núi Voi, rộng hàng chục héc ta. Điều này cho thấy hẳn xưa kia, khoảng 3.000 năm trước đây, Đông Khối là một trung tâm chế tác công cụ đá rất phong phú và nhộn nhịp. Trong bộ sưu tập công cụ bằng đá ở Đông Khối, rìu và bôn tứ giác có tiết diện hình chữ nhật hoặc vuông chiếm ưu thế tuyệt đối. Hình dáng của chúng khá phong phú: rìu có loại hình thang vuông, hình chữ nhật; bôn cũng có hai loại: loại lưỡi mỏng (chỉ độ 1 cm) và loại lưỡi rất dày, có mặt cắt hình gần vuông, vì vậy có người gọi là búa rìu (loại này chiếm tỉ lệ 22 - 33% ở các di chỉ).

            Nghiên cứu những dấu vết vật chất và bộ di vật, các nhà khảo cổ học cho rằng cư dân các bộ lạc thuộc giai đoạn Đông Khối có trình độ phát triển tương đương giai đoạn Đồng Đậu ở lưu vực sông Hồng. Nền kinh tế sản xuất nông nghiệp của người Đông Khối đã có bước phát triển mới: bên cạnh việc trồng trọt các loại cây cho củ, quả, lúa đã được trồng nhiều hơn, đặc biệt là lúa nếp. Tại Đồng Ngầm, Bái Man đã phát hiện được nhiều mẫu trấu của lúa dạng hạt tròn. Sự phát triển mạnh mẽ của các nghề thủ công làm gốm, chế tác công cụ đá, những dấu tích của lúa, gạo v.v... cho thấy người Đông Khối đã đạt tới trình độ khá cao trong đời sống kinh tế, xã hội.

3. Thanh Hóa thời Bắc thuộc

            Năm 179 TCN, nước Âu Lạc của vua Thục bị một viên quan lại của nhà Tần là Triệu Đà xâm lược. Lãnh thổ và cư dân quốc gia Văn Lang - Âu Lạc thời các vua Hùng, vua Thục trong đó có Cửu Chân bị thôn tính, sát nhập vào nước Nam Việt.

            Năm 111 TCN, nhà Hán chinh phục Nam Việt và chia thành 9 quận, trong đó nước Âu Lạc cũ trở thành 2 quận là Giao Chỉ và Cửu Chân, vùng đất Thanh Hóa nằm gọn trong quận Cửu Chân.

            Trải qua hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, qua các triều đại Hán - Tam Quốc, Lưỡng Tấn - Tiền Tống - Tề - Lương - Tùy - Đường, địa danh của miền đất này cũng bao lần thay đổi theo sự thăng trầm của lịch sử. Cùng với số phận chung của cả nước, nhân dân Cửu Chân chịu cảnh sống lầm than cơ cực dưới ách đô hộ của ngoại bang.

 

II. LỊCH SỬ CON NGƯỜI

1. Thời đồ đá cũ

            Các dấu vết của người nguyên thuỷ - người vượn sớm nhất ở Việt Nam, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1960 tại núi Ðọ, Thanh Hoá. Do đặc trưng điển hình của hệ thống di tích này, các nhà khảo cổ học cho rằng đã tồn tại một nền văn hoá sơ kì thời đại đồ đá cũ: Văn hoá núi Ðọ. Văn hoá núi Ðọ bao gồm một hệ thống các di tích sơ kì thời đại đồ đá cũ được phát hiện ở Thanh Hoá: Núi Ðọ, núi Nuông, Quan Yên I, núi Nổ.

1.1. Văn hoá núi Đọ

            Nằm trong địa phận hai xã Thiệu Tân và Thiệu Khánh huyện Thiệu Hoá (nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Ðây là một hòn núi cao 160m, nằm bên hữu ngạn sông Chu. Người vượn nguyên thuỷ đã sinh sống ở đây, ghè vỡ đá núi để chế tác công cụ. Những công cụ bằng đá mang dấu ấn chế tác bởi bàn tay của họ như mảnh tước, hạch đá, rìu tay... đã được phát hiện ở núi Ðọ khá nhiều. Ngày nay, trên sườn núi Ðọ, hàng vạn mảnh tước (mảnh ghè khi người nguyên thuỷ chế tác công cụ) vẫn còn nằm rải rác, nhất là sườn phía Ðông và phía Tây Nam.

1.2. Núi Quan Yên

            Trên núi Quan Yên, tại địa điểm Quan Yên I (bên sườn Ðông - Ðông Nam), thuộc xã Ðịnh Công, huyện Yên Ðịnh, năm 1978 các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được những vết tích của con người sơ kì thời đại đồ đá cũ. So với núi Ðọ, núi Nuông, mật độ và số lượng hiện vật thu được có ít hơn, nhưng kĩ thuật chế tác các loại hình công cụ ở đây cao hơn, gọi là kĩ thuật của loài vượn sơ kì thời đại đồ đá cũ, đồng thời đây cũng là một loại hình di chỉ - xưởng. Căn cứ vào trình độ kĩ thuật chế tác công cụ, địa hình cư trú và dựa vào những thành tựu mới nhất của các ngành khoa học, các nhà khoa học cho rằng, người vượn nguyên thuỷ văn hoá núi Ðọ là những người vượn đứng thẳng phát triển. Họ sống thành từng bầy, có thủ lĩnh bầy, mỗi bầy bao gồm từ 5-7 gia đình, có khoảng 20 - 30 người. Họ kiếm thức ăn chủ yếu bằng phương thức săn bắn và hái lượm theo bầy đàn người vượn và phân phối sản phẩm công bằng. Ðời sống tinh thần của họ đã khá phong phú: ngoài thì giờ kiếm ăn, có thể họ đã có những trò giải trí trong lúc rỗi rãi.

1.3. Hậu kì thời đại đồ đá cũ - Văn hoá Sơn Vi

            Tại Thanh Hoá, các bộ lạc chủ nhân văn hoá Sơn Vi, theo tình hình hiểu biết hiện nay đã sinh sống trên địa bàn rộng lớn ở vùng núi phía Tây và Tây Bắc của tỉnh. Dấu vết của họ đã được tìm thấy ở các huyện Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Hà Trung, Bá Thước và nhất là cụm di tích ở xã Hạ Trung (Bá Thước).

            - Mái đá Ðiều: Ðây là một di tích được phát hiện năm 1984 (thuộc xã Hạ Trung, huyện Bá Thước), chỉ trong 4m2 hố thám sát đã thu được hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong các năm 1986 - 1989, do tầm quan trọng của di tích này, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khảo cổ học Bulgaria tiến hành khai quật 3 lần. Kết quả thu được hàng ngàn hiện vật đá gồm công cụ kiểu văn hoá Sơn Vi, bàn nghiền... và nhiều nhất là mảnh tước, với bốn công cụ bằng xương thú. Ðặc biệt, tại đây đã tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có một mộ song táng, có hai bộ xương chớm hoá thạch còn tương đối nguyên vẹn mà chưa nơi nào ở Việt Nam phát hiện được di cốt nguyên vẹn như thế trong văn hoá Sơn Vi. Người vượn đã sinh sống ở hang mái đá Ðiều, các cư dân nguyên thuỷ sống trong các hang: Thung Khú (thuộc làng Man) hang Ma Xá, mái đá nước hang Anh Rồ, đã tạo thành một cụm di tích có niên đại từ hậu kì đá cũ đến văn hoá Hoà Bình, thuộc xã Hạ Trung huyện Bá Thước. Năm 1989, các hang Lang Chánh I, II, III, (thuộc xã Lâm Sa, huyện Bá Thước), được các nhà khảo cổ học Việt Nam hợp tác với các nhà khoa học Mỹ tiến hành khai quật và nghiên cứu. Hiện vật phát hiện ở các di chỉ này chủ yếu là công cụ bằng đá gồm các loại: mảnh tước đã tu chỉnh, rìu ngắn, công cụ 1/4 viên cuội, công cụ có rìa lưỡi ngang... được xác định là công cụ của chủ nhân văn hoá Sơn Vi muộn, kéo dài đến văn hoá Hoà Bình.

            - Hang Con Moong: Ðáng chú ý nhất là hang Con Moong - một di tích nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương - thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Di tích này được khai quật năm 1976. Tại đây, người vượn nguyên thuỷ Thanh Hoá đã sinh sống từ hậu kì thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới. Tầng văn hoá ở Con Moong dầy tới 3,5m với sự tiếp diễn liên tục, không hề có sự ngắt quãng. Tại lớp văn hoá sớm nhất (dưới cùng) ở Con Moong (đã được xác định niên đại bằng phương pháp cacbon phóng xạ C14 cách ngày nay hơn 12.000 năm) các nhà khảo cổ học đã thu được nhiều hiện vật. Ðó là những công cụ bằng đá có hình múi cam, công cụ có rìa lưỡi một đầu, công cụ 1/4 viên cuội, được tạo bằng thủ pháp đập vỡ cuội. Ðó là những chày nghiền, bàn nghiền - những hòn đá không có dấu vết chế tác, chỉ có dấu vết sử dụng bởi một mặt lõm xuống hình lòng máng, được dùng để chà vỏ, nghiền thức ăn thực vật; là những công cụ bằng xương có hình mũi nhọn được chế tạo từ những đoạn xương ống của các loài thú lớn. Xương, răng động vật cũng phát hiện được khá nhiều, gồm xương cốt các loài lửng, tê giác, voi, hươu, nai, hoẵng, baba, rùa vàng... Cũng giống như ở mái đá Ðiều, tầng văn hoá ở Con Moong chứa khá nhiều vỏ trai, ốc núi, ốc suối. Trong lớp văn hoá Sơn Vi ở Con Moong, đã tìm thấy dấu vết của bếp lửa có hình gần tròn, đường kính tới 4m, bên cạnh mùn thực vật và hạt trám. Trong lớp văn hoá Sơn Vi ở Con Moong, đã phát hiện được 3 mộ táng gồm 5 cá thể (có 2 mộ song táng) đã xác định được 1 nam, 1 nữ (khoảng 50 - 60 tuổi), hai trẻ em và 1 người không xác định được giới tính. Tất cả các hài cốt được chôn theo tư thế nằm nghiêng co bó gối, được bôi thổ hoàng, có một mộ chôn theo công cụ nạo. Như vậy, vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, cùng với văn hoá Sơn Vi ở phía Bắc, chủ nhân của văn hoá Sơn Vi Thanh Hoá đã cư trú trên một vùng rộng lớn phía Bắc, Tây bắc của tỉnh và tương đối tập trung. Theo những phát hiện mới nhất của khảo cổ học, vùng Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành trong hậu kì thời đại đồ đá cũ có thể được coi là trung tâm của xứ Thanh ngày nay. Trong thời đại đồ đá cũ, cư dân nguyên thuỷ đã sinh sống trên địa bàn Thanh Hoá. Trong hàng chục vạn năm ấy, do điều kiện địa lí, do quá trình kiến tạo địa chất, nhiều đợt biển tiến, biển lùi đã đẩy người vượn nguyên thuỷ văn hoá núi Ðọ tiến lên chiếm lĩnh vùng phía Tây - Tây bắc, những chủ nhân văn hoá Sơn Vi ở Thanh Hoá đã cùng các bộ lạc khác trên đất nước Việt Nam, trong quá trình đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên để sinh tồn, đã tạo nên một nền văn hoá mới, làm phong phú thêm thời đại đồ đá mới ở Việt Nam. Ðó là quá trình phát triển của xã hội người nguyên thuỷ trên đất Thanh Hoá.

2. Thời đại đồ đá mới

            Nối tiếp văn hoá Sơn Vi là văn hoá Hoà Bình (lấy tên tỉnh Hoà Bình - nơi phát hiện những di tích đầu tiên của nền văn hoá này). Về niên đại, văn hoá Hoà Bình cách ngày nay 11.000 năm; trên đất Thanh Hoá, trung tâm dân cư lúc này vẫn tập trung ở địa bàn vùng núi phía Tây, thuộc các huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Thạch Thành, Ngọc Lặc... Họ thường sống trong các hang động, các núi đá vôi rộng, thoáng đãng và gần sông, suối lớn. Các nhà khảo cổ học đã xác định họ chính là hậu duệ trực tiếp của chủ nhân văn hoá Sơn Vi ở Thanh Hoá và chính họ - cư dân văn hoá Hoà Bình ở Thanh Hoá, đã tiếp tục phát triển, làm nên văn hoá Bắc Sơn sau này.

2.1. Những vết tích của văn hoá Hoà Bình.

            - Hang Con Moong (xã Thành Yên - huyện Thạch Thành): Ðây là một hang rộng, nền hang cao hơn 40m so với chân núi hiện tại và rộng hơn 300 m2. Người nguyên thuỷ cư trú trên khoảng diện tích 100 m2 tại cửa hướng Tây Nam, liên tục từ thời văn hoá Sơn Vi đến văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn. Các nhà khảo cổ đã thu được rất nhiều hiện vật nằm lẫn trong đống vỏ nhuyễn thể và mùn thực vật mà người nguyên thuỷ đã thải ra trong quá trình sinh hoạt. Về công cụ bằng đá: cư dân văn hoá Hoà Bình ở Con Moong vẫn giữ truyền thống văn hoá Sơn Vi: dùng đá cuội để chế tác công cụ, nhưng kỹ thuật chế tác công cụ của họ rất phát triển, kể cả loại hình lẫn phương pháp chế tác. Công cụ kiểu Xumatơra(3) (Sumatralithe) có hình bầu dục hay hình hạnh nhân, lưỡi được tạo xung quanh rìa hòn cuội bằng cả thủ pháp ghè tỉa, để có độ sắc bén hơn; có chức năng sử dụng rất đa dạng: có thể dùng cắt, chặt, nạo....từ thịt, xương thú đến tre, nứa, gỗ. Rìu ngắn chiếm tỉ lệ rất lớn trong bộ sưu tập công cụ của họ ở Thanh Hoá; người ta thường chặt cuội hoặc chặt đôi những công cụ hình bầu dục để tạo rìu ngắn; chức năng của rìu ngắn cũng rất đa dạng. Rìu dài hình hạnh nhân hay hình bầu dục của cư dân văn hoá Hoà Bình có nhiều khả năng được sử dụng như những chiếc cuốc đá. Mảnh tước ở Con Moong có số lượng không nhiều, nhưng phần lớn đã được gia công để tạo thành công cụ nạo, dao đá, với rìa đá rất sắc. Chày nghiền, bàn nghiền cũng là những công cụ được tìm thấy khá nhiều. Chủ nhân Con Moong cũng chế tác và sử dụng công cụ bằng xương thú với kỹ thuật chọn nguyên liệu và chế tác phát triển khá cao: người ta chỉ lựa chọn xương ống của động vật có vú - loại xương có cấu tạo sợi nhiều hơn cấu tạo xốp - để chế tác công cụ và đã mài nhẵn đầu. Thức ăn rất phong phú, đa dạng: trong tầng văn hoá, các nhà khảo cổ học đã thu được 832 vỏ nhuyễn thể như trùng trục, trai, ốc... và các loại xương thú rất phong phú. Chôn người chết theo tư thế nằm nghiêng chân co như cư dân văn hoá Sơn Vi giai đoạn trước, nhưng họ đã chèn đá hộc, rải đá dăm quanh mộ để bảo vệ và đều chôn theo công cụ.

            - Di chỉ mái đá Ðiều và các di chỉ khác: Cũng như ở Con Moong, mái đá Ðiều là một di chỉ chứa đựng nhiều lớp văn hoá thuộc các thời đại đồ đá khác nhau. Niên đại lớp văn hóa Hoà Bình của Mái đá Ðiều là 8.200 ± 70 năm, cách ngày nay. Các nhà khảo cổ học đã thu được rất nhiều công cụ bằng đá đặc trưng kiểu Hoà Bình. Ðáng chú ý là rìu ngắn chiếm tỉ lệ rất lớn. Chày nghiền, bàn nghiền cũng chiếm tỉ lệ đáng kể. Riêng công cụ bằng mảnh tước, ở một số địa điểm đã xuất hiện kĩ thuật mài đá. Ở các di chỉ mái đá Bát Mọt, hang Mộc Trạch, hang To đã tìm được nhiều mảnh vỏ trai xà cừ lớn mà công dụng có thể được chủ nhân văn hoá Hoà Bình sử dụng như những lưỡi dao, nạo để vót tre nứa và nạo thịt thú. Một đặc điểm chung nữa là tại các di chỉ văn hoá này, tầng văn hoá đều rất dày, chứng tỏ sự cư trú lâu dài của con người như Con Moong: 3,5m, mái đá Ðiều: gần 4m, mái đá Làng Bon: 3,7m, hang Ðiền Hạ III: 3,8m, mái đá chòm Ðồng Ðông: 3,5m; chứa đựng một khối lượng vỏ nhuyễn thể rất lớn lẫn trong lớp đất màu nâu hoặc đen chứa mùn thực vật. Cư trú trong các hang động, mái đá tương đối cao, có nơi rất cao (như Con Moong), cư dân Hoà Bình ở Thanh Hoá chắc rằng, ngoài những công cụ bằng đá, đã sử dụng một số lượng không ít các công cụ và đồ dùng được chế tác từ các loại cây cối, nhất là tre, nứa, song, mây... Ðể đựng các loại nhuyễn thể lượm nhặt từ sông, suối đem về nơi cư trú. Các nhà khảo học đã phát hiện được nhiều mộ táng của người Hoà Bình ở Thanh Hoá. Ðã tìm thấy ở hang Lộc Thịnh, mái đá Làng Bon, mái đá làng chòm Ðồng Ðông... các di cốt, xương, răng bị vỡ, mủn. Ðáng chú ý nhất là các di tích Con Moong (2 mộ), mái đá Ðiều (13 mộ), mái đá Mộc Long (5 mộ), hang Chùa (3 mộ). Phần lớn những mộ này còn nguyên vẹn và cho thấy tư thế chôn nằm nghiêng co bó gối, bôi thổ hoàng, kè đá giữa mộ và chôn theo hiện vật làm đồ tuỳ táng, là cách thức mai táng phổ biến trong tập tục của người Hoà Bình. Chủ nhân của văn hoá Hoà Bình ở Thanh Hoá đã tiến tới tổ chức công xã thị tộc mẫu hệ. Các công xã thị tộc thường cư trú trong một vùng đất nhất định. Trong mỗi hang động là một thị tộc cư trú bao gồm nhiều gia đình nhỏ với vợ chồng, con cái. Dấu tích bếp lửa ở giai đoạn được tìm thấy có quy mô nhỏ hơn giai đoạn trước và số lượng cũng tăng hơn. Kinh tế hái lượm ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong đời sống, bởi vậy, vai trò và vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Với môi trường sinh sống gần sông, suối, khai thác thức ăn đa nguồn, định cư lâu dài, cư dân văn hoá Hoà Bình ở Thanh Hoá đã chuyển từ cuộc sống hái lượm - săn bắt sang thu hoạch định kỳ theo mùa. Ðó là mầm mống sơ khai của nền kinh tế sản xuất nông nghiệp: người ta bắt đầu chăm sóc và trồng trọt một số loài cây có củ, quả như rau, đậu, bầu bí... và thuần dưỡng chó. Những quan niệm tôn giáo sơ khai, mầm nghệ thuật - sự tìm kiếm cái đẹp cũng nảy sinh trong quá trình lao động kiếm sống và vui chơi giải trí. Ðó là những thành quả sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội của cư dân văn hoá Hoà Bình xứ Thanh và với thành quả ấy, họ đã thực sự góp phần vào cách mạng đá mới. Sau hơn 70 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam cũng như ở Thanh Hoá đã cho thấy một cái nhìn tổng quan về lịch sử Thanh Hoá thời đại đồ đá mới: đó là sự phát triển liên tục, nội tại từ cư dân văn hoá núi Ðọ đến Sơn Vi và văn hoá Hoà Bình.

2.2. Đồ gốm xuất hiện và cư dân văn hoá Bắc Sơn ở Thanh hoá:

            Tại Thanh Hoá, dấu vết văn hoá Bắc Sơn đã được phát hiện trong các lớp văn hoá muộn của các di chỉ mái đá Thạch Sơn, mái đá chòm Ðồng Ðông, hang Lộc Thịnh, mái đá Ðiều, hang Mỹ Tế, mái đá làng Bon, làng Ðiền Hạ III... và đặc biệt rõ ở hang Con Moong- thuộc lớp trên cùng, có niên đại khoảng 7.000 năm cách ngày nay. Chủ nhân văn hoá Bắc Sơn ở Thanh Hoá cũng như ở nơi khác, đã đưa kỹ thuật chế tác công cụ bằng đá đến trình độ cao: họ đã biết và phổ biến kỹ thuật mài đá. Ðã tìm thấy trong các di chỉ Bắc Sơn ở Thanh Hoá những bàn mài bằng sa thạch bên cạnh rất nhiều chày nghiền, bàn nghiền. Những chiếc rìu mài lưỡi Bắc Sơn ra đời đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề nông đã thai nghén từ văn hoá Hoà Bình. Nhưng thành tựu kĩ thuật lớn nhất của cư dân văn hoá Bắc Sơn là phát minh ra đồ gốm. Mặc dù còn rất thô sơ về chất liệu, hình dáng, hoa văn, độ nung còn thấp, nhưng cũng đã tạo cho nền kinh tế sản xuất sơ khai của chủ nhân văn hoá Bắc Sơn ở Thanh Hoá phát triển hơn hẳn nền kinh tế sản xuất nông nghiệp của văn hoá Hòa Bình. Tuy nhiên kinh tế sản xuất chưa thể chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống của người Bắc Sơn. Hái lượm và săn bắn vẫn đóng vai trò chính trong đời sống của họ: trong các hang động nơi họ cư trú, tầng văn hoá vẫn chất đầy vỏ nhuyễn thể và xương cốt động vật (lớp văn hoá Bắc Sơn ở Con Moong - lớp trên cùng- có độ dày từ mặt đất từ 0,2m - 1,2m, đã thu được tới 60m3 vỏ nhuyễn thể). Xã hội người nguyên thuỷ văn hoá Bắc Sơn ở Thanh Hoá đã phát triển chế độ thị tộc mẫu hệ.

            Cùng với sự phát triển của nền kinh tế sản xuất, người nguyên thuỷ văn hoá Bắc Sơn ngày càng lệ thuộc vào thành quả của hoạt động hái lượm và chăm sóc cây trồng. Ðó là những công việc chủ yếu do phụ nữ đảm nhận và ngày càng nắm vị trí chủ đạo trong kinh tế; vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao.

2.3. Cư dân văn hoá Đa Bút chiếm lĩnh đồng bằng và phát triển nông nghiệp trồng lúa nước.

            Vào hậu kì thời đại đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 6.000 - 7.000 năm, sau nhiều đợt biển tiến, biển lùi, sang kỷ Hôlôxen, đồng bằng sông Mã đã hình thành tương đối ổn định với tài nguyên phong phú, đầy hấp dẫn, đã lôi cuốn chủ nhân văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn ở vùng núi rời khỏi các hang động - nơi cư trú hàng ngàn năm, tiến xuống khai phá miền đồng bằng trước chân núi. Nền nông nghiệp trồng lúa nước ra đời. Cùng với dân cư văn hoá Hạ Long ở phía Bắc, văn hoá Quỳnh Văn ở phía Nam, người nguyên thuỷ ở Thanh Hoá làm nên một nền văn hoá Ða Bút độc đáo, làm phong phú thêm diện mạo văn hoá của các bộ lạc nguyên thuỷ sinh sống trên toàn cõi Bắc Việt Nam.

            Văn hoá Ða Bút: Theo hiểu biết hiện nay, văn hoá Ða Bút gồm hệ thống các di chỉ Ða Bút (xã Vĩnh Tân), Bản Thuỷ (xã Vĩnh Thịnh), làng Còng (xã Vĩnh Hưng) thuộc huyện Vĩnh Lộc, cồn Cổ Ngựa (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) và gò Trũng (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc). Khai quật và nghiên cứu hệ thống di chỉ này, các nhà khảo cổ học đã chứng minh rằng chủ nhân của văn hoá Ða Bút theo quá trình lùi dần của biển, ngày càng chiếm lĩnh vùng đồng bằng ven biển Thanh Hoá. Kết quả khai quật và nghiên cứu các di chỉ văn hoá Ða Bút cho thấy cư dân nguyên thuỷ giai đoạn này đã bước vào thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ phát triển. Nhờ nông nghiệp lúa nước được đẩy mạnh, đời sống đã ổn định, dân số tăng nhanh, đồng thời các nghề thủ công phục vụ sản xuất nông nghiệp và đánh cá được mở rộng.

III. LỊCH SỬ DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC

1. Cuộc khởi nghĩa của Chu Ðạt (156 - 160)

            Năm 156, Chu Ðạt, người huyện Cự Phong (nay là thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn) chiêu mộ dân binh vây đánh huyện sở Cự Phong (vùng đất các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia và Như Xuân, Như Thanh ngày nay) giết chết huyện lệnh rồi tiến công Tư Phố, giết chết thái thú nhà Ðông Hán, lực lượng có đến 5.000 người, quản trị Cửu Chân được 4 năm từ năm 156 đến năm 160.

 2. Cuộc khởi nghĩa bà Triệu (Triệu Thị Trinh) năm 248

            Từ năm 220, Cửu Chân thuộc quyền cai trị của Ðông Ngô (một trong 3 nước thời Tam Quốc), trong xứ không kể Nghệ An, Hà Tĩnh, có chừng 3 vạn hộ. Bà Triệu tức Triệu Thị Trinh, người Quân Yên (huyện Yên Ðịnh), 20 tuổi; lập căn cứ ở Núi Nưa (Triệu Sơn), hội quân với 3 anh em họ Lý ở Bồ Ðiền (tức Phú Ðiền, huyện Hậu Lộc) cùng tiến đánh quận sở Tư Phố đại thắng. Hầu hết các huyện lỵ, thành ấp ở Cửu Chân, Cửu Ðức, Nhật Nam (2 quận nay là vùng Nghệ Tĩnh - Quảng Bình) bị nghĩa quân đánh hạ, các thái thú, huyện lệnh và huyện trưởng bị giết... nền đô hộ của nhà Hán ở Giao Châu hơn 330 năm bị lật đổ.

3. Thời nước Vạn Xuân, Lý Nam Ðế (542 - 556)

            Mùa xuân 542, Lý Bí - mẹ đẻ là người Cửu Chân, khởi nghĩa thắng lợi, lập ra nước Vạn Xuân xưng là Lý Nam Ðế. Nhà Lương đàn áp, Lý Thiên Bảo là anh ruột Lý Bí rút về Dã Năng (huyện Bá Thước ngày nay) xưng là Ðào Lang Vương tiếp tục kháng chiến. Sau đó Thiên Bảo mất, Lý Phật Tử lên thay tức là Hậu Lý Nam Ðế. Năm 556, Lý Phật Tử đánh nhau với Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục - người tiếm ngôi của Lý Bí và là người đánh bại quân đội nhà Lương ở đầm Dạ Trạch (tỉnh Hưng Yên ngày nay).

4. Cuộc khởi nghĩa của Lê Ngọc (đầu thế kỷ VII)

            Lê Ngọc (còn gọi là Lê Cốc) cùng với 4 người con lật đổ quan cai trị của nhà Tuỳ (Trung Quốc) đóng ở Ðông Phố (tức Ðồng Pho, xã Ðông Hoà, huyện Ðông Sơn ngày nay), gọi là kinh đô Trường Xuân, tự quản Cửu Chân chống lại nhà Ðường cho đến đầu thế kỷ VI. Ðến thế kỷ VII, Cửu Chân gồm 6 huyện có 16.100 hộ (quận Giao Chỉ có 30.000 hộ) khoảng 84.000 nhân khẩu, thuộc xứ An Nam (tên An Nam thay cho Giao Châu bắt đầu từ đây). Quận sở là Ðông Phố (tức là Ðồng Pho). Năm 759, quân Mã Lai cướp phá Châu Ái (tên gọi Cửu Chân từ năm 523) bị quan cai trị là Trương Bá Nghi tiêu diệt. Năm 797, quân Mã Lai lại cướp phá Châu Ái nữa, xây cả thành, lập nước, nhưng bị quan cai trị là Trương Châu đánh đuổi, san phẳng thành trì thu hồi mọi của cải. Thế kỷ IX, Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo đã rất phát đạt ở Châu Ái. Ðạo Nho có anh em Khương Công Phụ, đỗ Tiến sỹ làm quan đến Tể tướng triều đình nhà Ðường, đạo Lão biến các hang động đẹp nhất ở khắp Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn làm nơi tu tiên và đạo Phật có các Ðại hoà thượng như Trí Hành và Ðại Thăng Ðăng sang tận Trung Quốc để hành đạo.

5. Thời Dương Ðình Nghệ (? - 937)

            Dương Ðình Nghệ, chính khách quan trọng nhất thế kỷ X của lịch sử Việt Nam, thu hút hơn 3.000 người làm vây cánh ở làng Giàng, Tư Phố (nay là đất các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa), trong đó có Ngô Quyền, Ðinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Phạm Cự Lạng... Tháng 3 năm 931, Dương Ðình Nghệ đánh đuổi thứ sử Lý Tiến của nhà Nam Hán (Trung Quốc), tiêu diệt viện binh Nam Hán, tự lập làm tiết độ sứ, chấm dứt vĩnh viễn nền đô hộ hơn 1.000 năm của người Trung Quốc ở Việt Nam. Từ Dương Ðình Nghệ, Việt Nam xác định lại được quốc thống của một đất nước độc lập hoàn toàn.

6. Thời Ngô Quyền (938 - 968)

            Mùa đông năm 938, Ngô Quyền đem quân đội Cửu Chân tiến ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn - kẻ phản bội họ Dương ở Ðại La (Hà Nội ngày nay), rồi cản phá quân Nam Hán là Lưu Hoàng Thao trên sông Bạch Ðằng, lên ngôi vua tức Ngô Vương Quyền. Thời 12 sứ quân, Cửu Chân nằm trong vòng kiểm soát của Ðinh Bộ Lĩnh ở miền Ðông và của Ngô Xương Xí - cháu nội Ngô Quyền, ở Bình Kiều (đất vùng Triệu Sơn ngày nay) tức miền Tây lãnh thổ.

7. Thời Ðại Cồ Việt - Tiền Lê (968 - 1009)

            Năm 979 - 980, Lê Hoàn trấn áp xong quân chống đối của Nguyễn Bặc và Ðinh Ðiền ở vùng sông Tống (vùng đất huyện Hà Trung ngày nay) lên ngôi vua. Năm 981, ông đánh tan quân xâm lược nhà Tống, và năm 982 đánh thắng quân Chiêm Thành. Năm 982, nhà vua cho nạo vét các sông ngòi, đào kênh nối liền hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Yên, sông Bạng cho đến vùng đất tỉnh Nghệ An ngày nay, thành một đường giao thông thuận tiện đầu tiên ở Cửu Chân và ở cả đất nước Ðại Cồ Việt. Người chỉ huy đào các kênh này là Ðào Lang, làng Bùi Ðỉnh (xã Yên Trung huyện Yên Ðịnh ngày nay). Từ năm 999 đến năm 1005, các vua thời Tiền Lê phải trực tiếp điều quân bình định miền viễn Tây Thanh Hoá nhưng chưa ổn.

8. Thời Nhà Lý (1010 - 1225)

            Năm 1111, Cửu Chân đổi làm phủ Thanh Hoá. Tên Thanh Hoá bắt đầu có từ đây (Thanh: trong sạch; Hoá: biến hoá), dời lỵ sở từ Ðông Phố đến Duy Tinh (vùng đất các xã Văn Lộc, Mỹ Lộc, Thuần Lộc huyện Hậu Lộc ngày nay). Ruộng đất Thanh Hoá bắt đầu bị nhà vua lấy ban cho các đại thần dưới dạng phong ấp. Ðó chính là chế độ phong kiến hình thành ở nước ta.

9. Thời nhà Trần (1226 - 1400)

            Tháng giêng năm Thiệu Long thứ 15 nhà Trần (năm 1272), Lê Văn Hưu, người làng Bồi Lý (xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá ngày nay) dòng dõi Lê Lương, soạn xong Ðại Việt sử ký toàn thư - bộ sử hoàn chỉnh đầu tiên của nước ta.

            Lê Văn Hưu được tôn là ông tổ ngành sử học của Việt Nam. Ðầu năm 1285, kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, ở Thanh Hoá, quân đội nhà Trần do Trần Kiên, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chỉ huy chống giữ cầm chân giặc, ở các điểm Yên Duyên (xã Quảng Hùng), núi Ðá Chẹt (Quảng Lĩnh), Văn Trinh (Quảng Hợp), Bố Vệ (thành phố Thanh Hoá), Phú Tân (Hà Toại), Nga Lĩnh, Quang Lộc, Liên Lộc, chiến sự rất dữ dội. Sau khi tướng Nguyên: Toa Ðô tiến được ra sông Hồng thì Hưng Ðạo Vương lại đem 2 vua Trần rút vào Thanh Hoá (ở các vùng Nga Sơn, Hà Trung, Thạch Thành ngày nay) để bảo toàn đầu não. Ðến tháng 5 năm 1285, từ Thanh Hoá, Hưng Ðạo Vương tiến quân ra Bắc quét sạch quân Nguyên Mông khỏi bờ cõi Ðại Việt. Năm 1370, dòng họ Lê ở Ðại Lại (Ðò Lèn, Hà Ngọc huyện Hà Trung) do Lê Liêm dẫn đầu hội quân Thanh Hoá tiến ra Thăng Long phế bỏ người tiếm ngôi Dương Nhật Lễ, lập lại nhà Trần bằng vua Trần Phủ - tức Trần Nghệ Tôn - nhà Trần từ đây thiên vào Thanh Hoá. Năm 1378, quân Chiêm Thành vào cướp Thanh Hoá bị quan quân nhà Trần trấn giữ đánh bại. Năm 1380, quân Chiêm Thành do đích thân vua Chế Bồng Nga chỉ huy lại vào cướp Thanh Hoá bị Hồ Quý Ly đánh bại ở cửa sông Ngu (tức Lạch Trường, Hoằng Trường ngày nay). Năm 1382, quân Chiêm Thành lại vào cướp phá Thanh Hoá, bị Nguyễn Ða Phương đánh bại ở cửa Thần Ðầu (tức Thần Phù, huyện Nga Sơn ngày nay). Năm 1389, quân Chiêm Thành lại vào cướp phá Thanh Hoá, Hồ Quý Ly chống không nổi phải bỏ chạy. Quân Chiêm Thành tiến ra Bắc. Năm 1390, tướng chỉ huy nhà Trần ở Thanh Hoá là Trần Khát Chân cản phá được quân Chiêm Thành, giết chết Chế Bồng Nga, chấm dứt vĩnh viễn sự quấy rối của các vua Chiêm Thành.

10. Thời nhà Hồ (1400 - 1407)

            Mùa xuân năm 1397, xây dựng xong thành đá Tây Giai ở động Thiên Tôn (nay là đất xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc). Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua ở thành này, thay nhà Trần, đổi tên nước là Ðại Ngu (nghĩa là rất an vui và cùng lo việc nước), bỏ kinh đô Thăng Long, lấy thành đá mới làm quốc đô gọi là Tây Ðô. Nhà Hồ phát hành tiền giấy thay cho tiền đồng đúc từ năm 1396, đến năm 1400 định lại giá kim ngạch cho thêm chặt chẽ. Năm 1402, nhà Hồ hoàn thành việc xây dựng con đường Thiên Lý từ Tây Ðô ra Ðông Quan (tức Thăng Long cũ) và từ Tây Ðô vào Hoá Châu (vùng Quảng Bình ngày nay) dọc đường đặt nhà trạm, phố xá và bưu dịch có hệ thống. Sau một năm chiến đấu ngoan cường nhưng thất bại, năm 1407, nhà Hồ và nước Ðại Ngu mất vào tay quân xâm lược nhà Minh.

11. Cuộc kháng chiến 10 năm chống nhà Minh(1418 - 1428)

            Mùa xuân, tháng Giêng ngày mồng 2 năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với những người tài giỏi trong cả nước khởi nghĩa ở Mường Chính (nay là huyện lỵ Lang Chánh) tiến về Khả Lam (tức Lam Sơn) bắt đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc) giải phóng đất nước. Lê Lợi xưng là Bình Ðịnh Vương, người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Bình Ðịnh Vương chiến đấu ở Thanh Hoá 6 năm, các trận đánh lớn diễn ra ở Lam Sơn, Mường Một (vùng Bát Mọt, huyện Thường Xuân ngày nay), Mường Chính, Bến Bổng (vùng thượng du sông Âm), Ba Lẫm (vùng Chiềng Lẫm, huyện Bá Thước ngày nay), Kình Lộng (vùng Cổ Lũng, huyện Bá Thước), Úng Ải (vùng đèo Thiết Ống, huyện Bá Thước), Sách Khôi (ở khoảng giữa huyện Bá Thước và huyện Hoàng Long - Ninh Bình và huyện Thạch Thành - Thanh Hoá), Ða Căng (vùng Thọ Nguyên, Thọ Xuân), có trận phía địch có tới 10 vạn quân như ở Kình Lộng. Mùa đông năm 1424, Bình Ðịnh Vương tiến quân vào Nghệ An theo kế sách của Nguyễn Chích. Mùa thu năm 1426, quân khởi nghĩa tiến ra Bắc bao vây Ðông Quan. Ngày 17 tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), Bình Ðịnh Vương đến Lỗi Giang (vùng đất các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc ngày nay) chỉ huy bao vây Tây Ðô. Cuối năm 1426, Bình Ðịnh Vương ra Bắc chỉ huy giải phóng các miền đất Giao Chỉ (Bắc Bộ ngày nay), và vây hãm thành Ðông Quan. Ngày 22 tháng 01 năm Ðinh Mùi (1427), giặc Minh đầu hàng. Mùa xuân năm sau - giặc rút về, đất nước sạch bóng quân thù, thành Tây Ðô lại về Ðại Việt. Ngày 15 tháng giêng năm Mậu Thân (1428), Bình Ðịnh Vương lên ngôi hoàng đế nước Ðại Việt, thủ đô là Ðông Kinh (tức Ðông Quan, thủ đô Hà Nội ngày nay). Cả nước chia làm 3 đạo hành chính lớn, Thanh Hoá thuộc đạo Hải Tây trong số các trấn ven biển Tây Ðô.

12. Thời Lê sơ (1428 - 1516)

            Tháng 11 - Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ về bái yết Sơn Lăng, Lam Sơn, sau 10 năm chiến đấu giành độc lập cho đất nước thắng lợi. Mùa Hè năm Canh Tuất (1430) đổi Tây Ðô làm Tây Kinh và Ðông Ðô (Hà Nội) làm Ðông Kinh. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tổ mất, một tháng sau đem về an táng ở Lam Sơn, gọi nơi an táng là Vĩnh Lăng. Tháng 12 năm Quí Sửu (1433) xây dựng điện Lam Sơn (gọi là Lam Kinh). Ngày 7 tháng 01 Giáp Dần (1434), điện Lam Kinh bị cháy (cháy lần thứ nhất). Tháng 9 Mậu Thìn (1448): xây dựng lại Lam Kinh do Thái uý Trịnh Khả chỉ huy. Từ Mậu Ngọ (1438) đến Mậu Tý (1468), 3 lần khơi đào các kênh trong xứ Thanh Hoá. Năm Bính Tý, tháng 4 (1516), Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực, lập vua Lê Chiêu Tông rước về Tây Kinh.

13. Thời Lê Mạc (1516 - 1788)

            Họ Mạc cướp ngôi vua Lê ở Thăng Long. Quan Ðiện tiền tướng quân là Nguyễn Kim - người Hà Trung lập căn cứ ở Thanh Hoá chống lại họ Mạc. Năm 1533 (Quí Tỵ), ông này đưa được Lê Ninh (con vua Chiêu Tông) lên ngôi tức Lê Trang Tông đánh chiếm Tây Kinh (1545) thắng lợi. Ðến năm 1545 (Ất Tỵ), Nguyễn Kim mất, con rể là Trịnh Kiểm lên thay, đánh nhau nhiều trận lớn với họ Mạc ở Thanh Hoá, 17 lần quân Mạc đều thua.

            Từ năm 1533 đến 1592, triều đình nhà Lê ở Thanh Hoá, quản lý đất nước từ Thanh Hoá trở vào, đóng đô ở Yên Trường (nay thuộc Yên Ðịnh) mở nhiều khoa thi, chọn người hiền tài tham gia chính quyền. Năm 1593, Trịnh Tùng - con trai Trịnh Kiểm, kế tục cha tiêu diệt họ Mạc, đưa vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long, lập phủ chúa, Ðàng Ngoài do vua Lê - Chúa Trịnh trị vì từ năm 1599. Trong thời đó, năm 1588, Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim) vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, mở đầu sự nghiệp các Chúa Nguyễn ở Ðàng trong. Năm 1738, Lê Duy Mật (con vua Lê Dụ Tông Duy Ðường) khởi nghĩa chống Chúa Trịnh, địa bàn hoạt động rộng khắp Tây Nam, Tây, Tây Bắc Thanh Hoá và vùng Tây Bắc lẫn Tây Bắc Bộ. Năm 1770, Duy Mật bị con rể phản bội phải thua và tự sát với vợ con, chấm dứt 32 năm chiến đấu. Từ năm 1557 đến 1786, Thanh Hoá bị 10 trận bão lụt lớn xen đại hạn, 15 lần đói to chết nhiều người và 16 cuộc chiến giữa quân Trịnh - Mạc, những tai hoạ ấy không hề có ở thời Lê sơ.

14. Thời Tây Sơn

            Những năm quân Tây Sơn tiến công ra Bắc, quân dân Thanh Hoá do Lê Trung Nghĩa (tức Quận Mãn) chỉ huy chống lại rất dữ dội, Lê Trung Nghĩa tử trận ở Tĩnh Gia.

            Quân đội Tây Sơn phá huỷ hoàn toàn Lam Kinh và kinh đô An Trường biểu tượng của các vua Lê và còn phá huỷ nhiều chùa chiền miếu mạo khác. Năm 1790, con vua Quang Trung là Quang Bàn được cử ra trấn thủ Thanh Hoá. Năm 1792, ông tách ra 2 phủ Trường An và Thiên Quan của Thanh Hoa ngoại thành trấn Thanh Bình (tức Ninh Bình ngày nay).

15. Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945)

            Thanh Hoá là đất tổ của nhà Nguyễn, cho nên sau kinh thành Huế, Thanh Hoá đặc biệt được chú trọng. Nhà Nguyễn coi viên quan tổng đốc quản trị Thanh Hoá ngang với chức thượng thư trong triều đình và phải là một vị hoàng thân mới được làm tổng đốc tỉnh Thanh Hoá.

            Ðặc biệt, triều đình ra lệnh không được đào bới khai mỏ gì ở Thanh Hoá sợ rằng xúc phạm đến oai linh của xứ sở. Nhà Nguyễn xây lăng tổ khai sáng ở Triệu Tường (Hà Trung), thành Triệu Tường lớn thứ 2 sau thành Thanh Hoá, chu vi 182 trượng (1 trượng = 4m), xây dựng lại Lam Kinh để tỏ lòng kính ngưỡng nhà Lê, dựng đền thờ các vua Lê ở Kiều Ðại (TP Thanh Hoá), hằng năm cắt cử các quan lại thay mặt nhà vua cúng tế và tổ chức phòng thủ ở Thanh Hoá rất hùng mạnh gồm một hệ thống 11 đồn binh có quân chính qui trấn giữ 7 bảo súng (pháo đài), 1 đồn thuỷ với 44 khẩu đại bác (súng thần công) mỗi đợt tuyển quân lấy của Thanh Hoá hơn 7.000 người. Ngày 25/11/1885, quân xâm lược Pháp lần đầu tiên tiến công Thanh Hoá. Trước đó, ngày 5 tháng 7, Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi tuyên bố chọn Thanh Hoá làm thủ phủ kháng chiến, nên tinh thần Cần Vương của quân dân Thanh Hoá rất sôi sục. Vùng rừng núi Thanh Hoá được xây dựng những sơn phòng tích trữ tiền của, lương thảo để chuẩn bị đánh giặc. Ba tháng sau (12/3/1886), nghĩa quân Cần Vương đã tiến đánh quân Pháp đóng ở thành Thanh Hoá. Mùa hè năm 1886, nghĩa quân lập bộ chỉ huy kháng chiến toàn Thanh Hoá do Tống Duy Tân đứng đầu và lập chiến khu ở Ba Ðình (Nga Sơn). Từ 18/12/1887, chiến sự dữ dội nhất giữa quân Việt Nam và Pháp đã nổ ra ở Ba Ðình. Quân Pháp phải tập trung trên địa bàn một số xã ở đây lượng binh lính lớn nhất so với toàn quốc (6.000 người trong một trận) để chiến đấu và bị thiệt hại nặng nề. Cuối cùng vì không được tiếp ứng như kế hoạch dự kiến, nghĩa quân do Ðinh Công Tráng chỉ huy đã rút lui an toàn khỏi các chiến luỹ. Ngày nay quảng trường trọng đại nhất của đất nước mang tên chiến khu này, đó là quảng trường Ba Ðình lịch sử ở thủ đô Hà Nội. Các cuộc chiến đấu chống quân đội Pháp ở Thanh Hoá đến giữa năm 1895 mới chấm dứt cùng với hàng ước của nhà Nguyễn. Thanh Hoá và các tỉnh miền Trung Việt Nam vẫn nằm trong nền độc lập hạn chế của nhà Nguyễn không bị Pháp cai trị trực tiếp. Thực tế chính quyền thuộc địa Pháp chỉ cai quản địa phận thị xã Thanh Hoá được thành lập ngày 12/7/1899 ở khu đất phía Ðông thành Thanh Hoá mà thôi. Năm 1918, chế độ thi cử tuyển hiền tài, kiểu Nho giáo ở Thanh Hoá mới bãi bỏ. Thanh Hoá bắt đầu hình thành xã hội phong kiến nửa thuộc địa hiện đại hoá.

16. Thời hiện đại

            Các năm 1926 - 1927, các tổ chức cách mạng đầu tiên ở Thanh Hoá ra đời. Ngày 25/6/1930, chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên thành lập ở làng Hàm Hạ (thuộc xã Ðông Tiến, huyện Ðông Sơn), và ngày 29/7/1930, đã thành lập Ðảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên là đồng chí Lê Thế Long.

Tháng 9/1942, Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hoá thành lập. Ngày 24/7/1945, nhân dân huyện Hoằng Hoá giành chính quyền huyện thắng lợi. Ngày 19/8/1945, nhân dân thành phố Thanh Hoá và một số huyện tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi. 4 ngày sau, cách mạng thành công trên toàn tỉnh. Ngày 23/8/1945, chính quyền cách mạng tỉnh Thanh Hoá ra mắt đồng bào ở thị xã Thanh Hoá. Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Cùng với cả nước, lịch sử Thanh Hoá bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong thời đại phong kiến, người dân Thanh Hoá đã ghi lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, mở nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam. Thanh Hoá là nơi phát tích của các vương triều: Tiền Lê, Hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Trong sự nghiệp cách mạng ngày nay, người dân xứ Thanh cũng góp phần xứng đáng đối với cả nước để xây dựng quê hương mình nhanh chóng trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh./.

 

(Nguồn - Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa)

Liên hệ:

Bản quyền @2016 thuộc Trung tâm thông tin
Sở Tài nguyên môi trường Thanh Hóa
Địa chỉ: 14 Hạc Thánh - Thành phố Thanh Hóa -
Tỉnh Thanh Hóa
Đơn vị phát triển:

Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ phần mềm và Gis
Cục Công nghệ thông tin
Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thống kê truy cập:
Số người đang truy cập: 3
Số người truy cập hôm nay: 75
Tổng số lượt truy cập: 162660
Tổng số thành viên: 9
 
Atlas điện tử tỉnh Thanh Hóa